Dầu chạm đáy thấp nhất 4 năm trước thềm họp OPEC

Các quốc gia cung cấp 1/3 lượng dầu tiêu thị trên thế giới đã không thể đi đến đồng thuận trong việc cắt giảm nguồn cung.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây sau khi các quốc gia cung cấp 1/3 lượng dầu tiêu thị trên thế giới không thể đi đến đồng thuận trong việc cắt giảm nguồn cung. Ngày mai, cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ bắt đầu.

Giá dầu WTI giao tháng 1 giảm 2,2%, xuống còn 74,09 USD/thùng nên sàn NYMEX. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010.

Trong khi đó, giá dầu thô biển Bắc giao tháng 1 mất 1,7%, xuống còn 78,33 USD.thùng trên thị trường London.

Các nước Venezuela, Saudi Arabia, Mexico và Nga đã tuyên bố họ có kế hoạch bắt đầu kiểm soát giá dầu theo quý. Tuy nhiên, theo Igor Sechin (lãnh đạo của tập đoàn dầu mỏ Rosneft đến từ nước Nga), các cuộc đàm phán ở Vienna đã không thành công khi chưa thể cho ra bất cứ thỏa thuận chung nào.

“Nga – vốn không phải là thành viên của OPEC – sẽ không cần phải cắt giảm sản lượng nếu giá dầu giảm xuống dưới mức 60 USD/thùng”, ông Sechin nói.

“4 quốc gia này không đồng tình với phương án cắt giảm nào. Các nước OPEC phải giảm trên 2 triệu thùng mới có thể ổn định được thị trường”, Tariq Zahir – chuyên gia đến từ Tyche Capital Advisors – nói. “Về cơ bản thì Nga đang cho rằng họ sẽ tiếp tục khai thác dầu bất chấp giá dầu thấp như thế nào. Họ đang đổ thêm dầu vào lửa”.

Cuộc họp ở Vienna diễn ra vài tuần sau các nỗ lực ngoại giao từ Venezuela – nước có lượng dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới và đang cố gắng phối hợp với các nhà sản xuất bên ngoài OPEC ngăn chặn đà giảm của giá dầu.

Venezuela đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm. Thu nhập từ dầu mỏ của nước này đã giảm tới 35%. Lợi suất trái phiếu của nước này chạm mốc cao nhất 6 năm trong khi dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất 11 năm. Trước thềm cuộc họp này, Venezuela đã gặp gỡ với các bộ trưởng năng lượng từ Saudi Arabia, Mexico, Nga, Algeria, Iran và Qatar.

Giống như các nước thuộc OPEC, xuất khẩu dầu mỏ đóng vai trò quan trọng đối với thu ngân sách của Nga. Đồng ruble đang suy yếu và NHTW nước này dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 0% trong năm 2015.

Trong khi đó, Saudi Arabia cho rằng “đây không phải lần đầu tiên nguồn cung bị dư thừa” và không biết OPEC nên làm gì tại cuộc họp lần này. Olivier Jakob, chuyên gia của công ty tư vấn Petromatrix GmbH (Thụy Sĩ), nhận định Saudi Arabia chính là nước có thể áp đặt ý chí lên các nước OPEC khác và quyết định mọi thứ.

Dầu rơi vào “thị trường con gấu”trong bối cảnh sản lượng của Mỹ chạm mốc cao nhất trong hơn 3 thập kỷ và có nhiều dấu hiệu cho thấy lực cầu tăng trưởng chậm. Đồn đoán cho rằng các nước đứng đầu OPEC quan tâm đến việc bảo vệ thị phần nhiều hơn việc ổn định giá cả khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Trong tháng 10, các nước thuộc OPEC sản xuất 30,97 triệu thùng/ngày, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp vượt mục tiêu 30 triệu thùng.

Thu Hương

Theo Infonet/Bloomberg

Comments

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
*