Thuê bao thiếu thông tin có bị khóa sau ngày hôm nay (24-4)?
Người dân chen chân đi bổ sung thông tin thuê bao trong ngày cuối Nhà mạng muốn gia hạn thời gian đăng ký thông tin thuê bao
Những ngày qua, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều triển khai nhiều phương án để hỗ trợ tối đa người dùng đăng kí thông tin. Ngoài việc tăng cường thời gian phục vụ tại các điểm giao dịch, các nhà mạng cũng hỗ trợ khách hàng tự đăng kí qua kênh online hoặc trực tiếp đến nhà (đối với người già, người khuyết tật…).
Các điểm giao dịch của nhà mạng đều trong tình trạng quá tải do khách hàng lo sợ bị khóa SIM. Dù đã huy động hết công suất nhưng do khối lượng thuê bao quá lớn, các nhà mạng đã phải gia hạn thêm thời gian.
Cụ thể, VinaPhone thông báo sẽ gia hạn thời gian cập nhật thông tin thuê bao đến ngày 15-5 thay vì thời hạn 24-4, trong khi MobiFone khẳng định vẫn tiếp tục hỗ trợ khách hàng đăng kí thông tin sau ngày 24-4.
Sau ngày 24-4, các thuê bao không cập nhật thông tin có bị khoá hay không? Theo Nghị định 49, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần đối với các thuê bao cần bổ sung thông tin. Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.
Việc chặn 2 chiều sẽ được thực hiện sau 15 ngày tiếp theo nếu khách hàng vẫn cố tình chây ì. Sau 30 ngày kể từ khi khoá 2 chiều, nếu khách hàng vẫn không cập nhật thông tin, nhà mạng sẽ thanh lý hợp đồng. Như vậy, về khía cạnh pháp luật, sau ngày 24-4, các thuê bao đã nhận đầy đủ thông báo từ các nhà mạng nhưng vẫn không bổ sung thông tin đúng theo quy định sẽ bị chặn một chiều.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà mạng đều có hướng xử lý linh hoạt. Đại diện MobiFone nói: “Nghị định 49 đưa ra thời hạn chót là ngày 24-4. Trước đó, trong buổi làm việc với các nhà mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, các nhà mạng cần đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng phải linh hoạt trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho khách hàng. Việc có khóa thuê bao chưa đủ thông tin hay không phụ thuộc vào quyết định của Bộ. Hiện tại, Bộ vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể nào cho các nhà mạng về cách xử lí các thuê bao này”.
Phía Viettel khẳng định, sau thời điểm 24-4, khách hàng vẫn có thể tới các điểm giao dịch để bổ sung thông tin. Tuy nhiên, các thuê bao đã được nhà mạng nhắn tin nhiều lần nhưng không tiến hành cập nhật thông tin có thể bị cắt một chiều theo quy định của Nghị định 49. Hiện các nhà mạng chưa tiết lộ cụ thể số lượng thuê bao chưa bổ sung thông tin nhưng con số này ước tính lên tới hàng triệu thuê bao. Các doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định sẽ xử lý các thuê bao này theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điểm giao dịch của MobiFone luôn trong tình trạng quá tải do khách hàng tới cập nhật thông tin. |
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến cuối tháng 3-2018, cả nước vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin, cần phải bổ sung. Những thuê bao này chưa có bản chụp chứng minh nhân dân hoặc đã có nhưng dữ liệu không trùng khớp, có dấu hiệu bị làm giả.
Trước việc nhà mạng thông báo gia hạn thời gian, ông Trung nhấn mạnh, Nghị định 49 có hiệu lực từ tháng 4-2017, nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông đã có 1 năm để thực hiện nhưng gần tới thời hạn chót, các doanh nghiệp mới triển khai nhắn tin cho khách hàng.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ – Cục phó Cục Viễn thông cũng cho rằng, doanh nghiệp kêu khó là do doanh nghiệp chưa muốn làm. Trên thực tế, các nhà mạng đang quản lí rất tốt các thuê bao trả sau nhưng lại chưa quản lí chặt thuê bao trả trước. Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông đều chỉ muốn phát triển càng nhiều thuê bao càng tốt, còn người dùng thì không muốn phải cung cấp thông tin của mình cho bất kì ai.
Trước câu hỏi, có cần thiết phải gửi ảnh chân dung khi mà chủ thuê bao đã đăng kí bằng chứng minh nhân dân, Cục Viễn thông cho rằng, đây là giải pháp tối ưu để đảm bảo tính chính danh của thuê bao.
Một thời gian dài trước đây, đã có tình trạng nhà mạng không tuân thủ việc đăng kí thông tin thuê bao, thậm chí hàng loạt thuê bao được đăng kí trùng thông tin cá nhân. Điển hình, một thuê bao của nhà mạng MobiFone đã đăng kí thông tin cho hàng nghìn thuê bao sinh viên.
Khi tiến hành kiểm tra thông tin cá nhân, không ít khách hàng giật mình khi sở hữu các thuê bao lạ dù trước đó chưa từng đăng kí. Điều này khiến cho người dùng có thể gặp rắc rối nếu thuê bao kia được sử dụng cho các mục đích xấu. Tình trạng này là do suốt một thời gian dài các nhà mạng chạy đua phát triển số lượng thuê bao nên đã buông lỏng cho các đại lý phân phối.
Mặc dù khẳng định sẽ xử lý nghiêm các đại lý nếu có vi phạm nhưng đại diện phía MobiFone cũng từ chối cung cấp số lượng các đại lý bị xử phạt thời gian qua.
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh tiến hành thanh tra diện rộng đối với công tác quản lý thông tin thuê bao trên toàn quốc. Cục Viễn thông khuyến cáo người dùng nếu phát hiện thông tin cá nhân của mình đang được sử dụng cho các thuê bao lạ cần phải thông báo cho nhà mạng, đồng thời yêu cầu nhà mạng khóa thuê bao đó. Để kiểm tra thông tin cá nhân có bị sử dụng sai mục đích hay không, khách hàng có thể soạn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414.
Trước khi Nghị định 49 có hiệu lực, việc quản lí thuê bao trả trước được thực hiện theo Thông tư 04/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, khi hòa mạng, chủ thuê bao phải đăng kí thông tin bằng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Mỗi cá nhân chỉ được sử dụng giấy tờ tùy thân để đăng kí 3 SIM, mỗi doanh nghiệp được đăng kí tối đa 100 SIM.
Hiện nay, theo MobiFone, khách hàng không bị giới hạn số lượng thuê bao. Tuy nhiên, từ thuê bao thứ 4 trở đi, khách hàng cần phải kí hợp đồng với nhà mạng.